Ngày 7/11/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kiến Tường tổ chức tập huấn chuyên đề quản lý chất thải rắn nông thôn cho bà con nông dân trên địa bàn 5 xã của thị xã Kiến Tường.
Tại buổi tập huấn, bà con nông dân được nghe đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kiến Tường triển khai các nội dung gồm: Tổng quan về chất thải rắn nông thôn; quy định của pháp luật đối với quản lý chất thải rắn; thực trạng chất thải rắn nông thôn trên địa bàn thị xã Kiến Tường; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn nông thôn và các vấn đề tác hại của hai loại chất thải này đến sức khoẻ con người, môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo thống kê, hiện nay, dân số nông thôn trên địa bàn thị xã Kiến Tường là trên 24.000 người, lượng chất thải rắn phát sinh trung bình 0,3kg/người/ngày, ước tính có khoảng 2.718 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra trong năm. Bên cạnh đó, thị xã có 132 cơ sở sản xuất chế biến, chế tạo tại nông thôn, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 62,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn để xử lý tập trung mới chỉ đạt trên 50%, tỷ lệ cơ sở sản xuất chế biến tại nông thôn đã đăng ký bản kế hoạch bảo vệ môi trường chỉ đạt gần 75%, nhiều nơi xảy ra tình trạng phơi phân gia súc ngay trên đường giao thông, tỷ lệ bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để xử lý theo quy định đạt chưa đến 1% mặc dù toàn thị xã đã đầu tư 31 bể chứa tập trung. Tất cả các yếu tố đó khiến tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế – xã hội của đại phương
Thông qua lớp tập huấn giúp nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tiếp cận được với các mô hình thu gom rác thải có hiệu quả, thông qua đó chính người dân sẽ là những tuyên truyền viên ở cơ sở để vận động mọi người xung quanh vứt bỏ vỏ chai lọ, thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định để đơn vị có chức năng thu gom xử lý đúng quy trình nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, tập thói quen hạn chế đến mức thấp nhất không dùng túi nylon và thay thế túi nylon bằng các loại lá thực vật truyền thống có sẵn tại từng địa phương, góp phần bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn./.
Tuấn Hùng