image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Bài viết: “Thực hiện Phân loại CTRSH trên địa bàn thị xã Kiến Tường”
Các mô hình thí điểm thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đang được triển khai tại 03 điểm (gồm các tuyến dân cư: khu phố 6, Phường 2; ấp Ông Nhan Đông xã Bình hiệp; ấp 1 xã Thạnh Trị); 02 mô hình phân loại xử lý CTRSH liên hộ gia đình (khu dân cư khu phố 2, Phường 2; khu dân cư xã ấp Bắc Chan 1 xã Tuyên Thạnh) với tổng số 350 hộ dân tham gia.

Vấn đề chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là một thách thức toàn cầu trong bối cảnh gia tăng dân số, khan hiếm tài nguyênô nhiễm môi trường ngày càng gai tăng. Việc thúc đẩy thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được xem là giải pháp triển vọng giúp giảm thiểu lượng rác thải phải xử lý chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Cùng với những nỗ lực của các cấp ngành trong công tác thu gom, quản lý CTRSH giữ gìn vệ sinh môi trường, nhận thức về vai trò trách nhiệm của cộng đồng cũng được nâng cao. Đến nay, tỉ lệ hộ dân tham gia dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH khu vực đô thị tại các khu vực có bố trí thu gom rác đạt khoảng 98,9% (3.286 hộ dân đã ký hợp đồng trên tổng số 3.323 hộ dân được lập bộ).

Với mức phát thải trung bình 0,6 kg/người/ngày, ước tính lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thị xã trung bình khoảng 26,9 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng thu gom, xử lý tập trung khoảng 18 tấn/ngày (chiếm khoảng 67% tổng lượng phát sinh ở đô thị và nông thôn). Điều này đã và đang gây ra áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý tại bãi rác và yêu cầu bảo vệ môi trường của thị xã đối với các khu vực chưa thể bố trí tuyến thu gom rác.

Bên cạnh đó, việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH không đủ bù chi phí thu gom, vận chuyển xử lý (năm 2023, ngân sách địa phương phải cấp bù cho hoạt động thu gom, xử lý CTRSH là 788.006.640 đồng (chiếm khoảng 24,81% tổng chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý).

Năm 2024, được sự cho phép của UBND tỉnh tại công văn số 4375/UBND-KTTC ngày 07/5/2024, thị xã đã phối hợp với Tổ chức WWF-Việt Nam triển khai các hoạt động truyền thông về phân loại rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã. Trong đó, tập trung về hướng dẫn việc phân loại CTRSH theo Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH. Đồng thời khuyến khích người dân tận dụng tối đa nguồn thực phẩm thừa sau khi phân loại để làm phân bón cây trồng.

 Theo nội dung phối hợp triển khai, các mô hình thí điểm thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đang được triển khai tại 03 điểm (gồm các tuyến dân cư: khu phố 6, Phường 2; ấp Ông Nhan Đông xã Bình hiệp; ấp 1 xã Thạnh Trị); 02 mô hình phân loại xử lý CTRSH liên hộ gia đình (khu dân cư khu phố 2, Phường 2; khu dân cư xã ấp Bắc Chan 1 xã Tuyên Thạnh) với tổng số 350 hộ dân tham gia.

Song song đó, các hội đoàn thể thị xã đã xây dựng nhiều mô hình xử lý chất thải nhằm thu hút sự quan tâm của người dân về công tác phân loại rác tại nguồn (mô hình “Ngôi nhà xanh chống rác thải nhựa”, mô hình “Nuôi trùn quế xử lý chất thải sinh hoạt và lục bình trên sông”,...).

 
Anh-tin-bai
 

Tổ chức tuyên truyền pháp luật về phân loại CTRSH tại xã Tuyên Thạnh

Theo quy định, CTRSH sẽ được phân làm 03 nhóm sau: Chất thải có thể tái sử dụng, tái chế: Là loại rác đã không sử dụng nữa và không thể phân hủy như: giấy thải, các loại vỏ hộp chai, lọ, vỏ lon thực phẩm, kim loại,… ta có thể sử dụng chúng để tái chế lại để làm ra những sản phẩm có ích; Chất thải thực phẩm: Là loại rác rất dễ phân hủy ở điều kiện môi trường bình thường, như là: rau, củ, quả, thức ăn thừa, hoặc bị hư hỏng thường được dùng để làm phân bón hoặc làm thức ăn cho động vật nuôi; Chất thải còn lại (bao gồm chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải còn lại khác).

Để thuận tiện cho công tác phân loại CTRSH, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Bộ nhận diện và phân loại chi tiết CTRSH (theo hướng dẫn tại 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023) được đăng tải theo đường dẫn: https://shorturl.at/YYWpk, mọi người dân quan tâm có thể tiếp cận dễ dàng.

Bên cạnh các thiết bị lưu chứa CTRSH được Tổ chức WWF-Việt Nam hỗ trợ (250 thùng ủ compost 120 lít, 02 thiết bị ủ compost cộng đồng (30- 50 hộ dân, 50 thùng rác 240 lít, 10 thùng rác 660 lít,…), thị xã Kiến Tường cũng đã đầu tư mua sắm 400 thiết bị lưu chứa CTRSH nhằm cơ bản đáp ứng công tác phân loại CTRSH khi triển khai hoạt động phân loại CTRSH đồng loại trên toàn thị xã kể từ sau ngày 31/12/2024 (theo lộ trình quy định tại khoản 7, Điều 79 Luật BVMT năm 2020).

Việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn không chỉ mang lại lợi ích đối với môi trường, giảm áp lực ngân sách trong thu gom, vận chuyển xử lý, mà còn đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho chính mỗi hộ gia đình cá nhân thực hiện. Bằng việc kéo dài vòng đời sản phẩm tiêu dùng có thể giúp gia đình tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, các vật liệu có khả năng tái chế được phân loại bàn giao cho các đơn vị có chức năng cũng có thể giúp gia đình thu hồi được thêm một khoản tiền nhỏ. Với chất thải thực phẩm có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ bón cho hoa cảnh, hoặc trồng rau sạch cho gia đình. Và theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 79 Luật BVMT năm 2020: “Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý”.

Cùng với các quy định hướng dẫn kỹ thuật thực hiện phân loại CTRSH đã có, biện pháp chế tài xử lý cũng đã được quy định rõ ràng: “hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng -1.000.000 đồng căn cứ theo quy định, tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đối với rác thải, dù sử dụng phương pháp xử lý nào cũng đều sẽ gây hại cho môi trường, làm tăng gánh nặng xã hội và lãng phí tài nguyên. Phân loại CTRSH là sự cải cách cách thu gom và xử lý rác tuyến tính truyền thống hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn. Bằng cách này, rác không còn là thứ bị vứt đi mà chúng sẽ trở thành một nguồn nguyên liệu đầu vào cho một quá trình sản xuất khác, đó có thể tạo là ra năng lượng, hàng hóa hoặc nhiều vật dụng có ích, phục vụ cho cuộc sống con người.

Các quy định pháp lý đang được hoàn thiện và việc phân loại CTRSH là bắt buộc đối với hộ gia đình, cá nhân kể từ ngày 01/01/2025. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, mỗi người dân cần hiểu rõ quyền và trách nghiệm của mình đối với quản lý CTRSH và tích cực tham gia thực hiện góp phần giải quyết hiệu quả vấn nạn CTRSH hiên nay.

Tác giả: Anh Thư

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh