image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Cảnh báo gia tăng ca tử vong do bệnh dại và cách phòng chống
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong

Trong năm 2023 toàn tỉnh Long An có 3 ổ dịch Dại động vật (trên chó) được phát hiện tại huyện Vĩnh Hưng, Đức Huệ và Mộc Hoá. Riêng huyện Mộc Hoá ghi nhận 01 trường hợp tử vong trên người tại xã Tân Lập. Trong tháng 01/2024, ghi nhận thêm 02 trường hợp tử vong trên người do bệnh dại tại xã Hưng Điền B và thị trấn Tân Hưng huyện Tân Hưng. Hiện nay đang vào mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi phát triển bệnh dại trên động vật có vú như là chó, mèo, chuột… Trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị bênh dại nên 100% ca bệnh dại đều tử vong, nên việc tiêm ngừa trên người và vật nuôi vẫn là biên pháp chính trong phòng ngừa bênh dại.

1.Đặc điểm của bệnh:

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Lúc đầu người bệnh có cảm giác đau đầu, sợ hãi, sốt, khó chịu và những thay đổi cảm giác dị thường tại vết thương nơi bị súc vật cắn. Bệnh tiến triển đến liệt hoặc bị liệt. Các cơ nuốt của thực quản bị co thắt khi thử nước, nên người bệnh sợ nước, người bệnh mê sảng và co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày rồi chết do liệt cơ hô hấp.

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là các chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan. Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp từ mô não hoặc phân lập vi rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào.

2. Tác nhân gây bệnh:

Bệnh dại do vi rút dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus gây nên. Sức đề kháng của vi rút dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong vòng 30 phút, ở 700C trong vòng 2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng dộ 2-5%.

3. Nguồn truyền bệnh:

Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng, nhất là ở chó hoang dã và chó nhà, bao gồm: chó, chó sói đồng, chó sói và chó rừng. Ngoài ra còn có ổ chứa ở mèo, chồn, cầy và những loài động vật có vú khác.

Tất cả loài động vật máu nóng đều có cảm nhiễm với vi rút dại ở mức độ khác nhau. Tính cảm nhiễm cao nhất là chó, chó sói, mèo, cáo rồi đến trâu, bò, ngựa, lợn, lạc đà, khỉ, gấu, chuột. dơi, Trong đó, chó bị mắc bệnh nhiều nhất.

Thời kỳ ủ bệnh: Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Thời kỳ lây truyền: Ở chó và mèo thường từ 3-7 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời kỳ súc vật bị bệnh. Theo WHO, thời kỳ lây truyền bệnh ở chó, mèo trong vòng 10 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy dơi và một số động vật hoang dã khác như chồn, đào thải vi rút dại ít nhất là 8 ngày trước khi có triệu chứng lâm sàng và có thể kéo dài tới 18 ngày trước khi chết.

4. Phương thức lây truyền:

Nước dãi mang vi rút của súc vật bị dại được truyền sang súc vật hoặc người cảm nhiễm qua vết cắn, có thể qua vết cào, vết rách, xước trên da hoặc rất hiếm có thể qua niêm mạc còn nguyên vẹn.

5. Xử lý khi bị chó, mèo cắn:

Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:
- Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.

- Bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: Dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng. Không được lạm dụng trong sử dụng vắc xin và HTKD.

- Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin + HTKD phải thực hiện càng sớm càng tốt. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại vắc xin, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh. Việc giám sát, kiểm soát để thực hiện các nội dung chuyên môn là hết sức cần thiết.

- Nhốt và theo dõi sức khỏe chó/mèo trong vòng 10-15 ngày.

6. Các biện pháp phòng chống bệnh dại:

Người nuôi chó, mèo cần thực hiện nghiêm ngặt các nội dung sau:

- Thực hiện tiêm phòng bệnh dại chó, mèo nuôi. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh dại.

- Không thả chó chạy rông ra ngoài đường, nơi công cộng. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt.

- Thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ.

- Báo ngay với thú y xã, huyện các trường hợp chó có biểu hiện bất thường như sốt, bỏ ăn hoặc hung dữ khác thường…

- Tuyệt đối không mổ thịt chó bệnh, chết để ăn.

- Khi nuôi chó trong nhà cần phải cảnh giác không để trẻ con đùa giỡn với chó, tránh giẫm đạp lên chó. Nếu chó quá hung tợn thì không nên nuôi. Khi bị chó cắn thì nạn nhân phải đi tiêm ngừa Dại ngay cho dù con chó đó đã được tiêm ngừa đầy đủ và vẫn còn trong thời hạn miễn dịch.

Trong tháng 02 đến tháng 5/2024, Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND xã phường có kế hoạch tổ chức cho người dân thực hiện việc đăng ký nuôi chó/mèo và tiêm phòng cho toàn bộ chó mèo thuộc diện tiêm trên địa bàn thị xã Kiến Tường. Đề nghị người nuôi chó/mèo tham gia đăng ký và tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh dại cho chó mèo.

Người giết mổ, buôn bán thịt chó phải làm gì để phòng ngừa bệnh dại ?

- Đăng ký với thú y xã để được kiểm tra lâm sàng chó trước khi giết mổ.

- Không giết mổ, buôn bán thịt chó bệnh, chó chết.

- Đăng ký với trạm thú y huyện để kiểm tra vệ sinh thú y nơi giết mổ, quày sạp kinh doanh.

- Định kỳ 2 lần/tháng thực hiện vệ sinh tiêu độc nơi giết mổ, quày bán thịt chó.

- Người trực tiếp giết mổ và đứng bán thịt chó, định kỳ 6 tháng/lần kiểm tra sức khỏe ở bệnh viện tuyến huyện trở lên.

- Thực hiện trang bị bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, tạp dề... đúng quy định

Biện pháp chống dịch

- Chuyên môn: Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.
+ Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.
+ Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.
+ Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.
+ Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các ấp tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.

+ Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Tóm lại, hàng năm nước ta tiêu tốn một lượng rất lớn chi phí cho việc mua/ sản xuất vắc-xin ngừa dại; người dân bỏ ra một lượng rất lớn tiền của, thời gian cho việc đi tiêm ngừa dại; rất tốn kém mà vẫn chưa ngăn chặn triệt để bệnh dại. Điều đó cho thấy cuộc chiến phòng chống bệnh dại chưa bao giờ là dễ dàng./.

 

VÕ ĐẠI NHÂN


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thư viện ảnh